Tiểu sử: HT Thích Thiện Tường

Tiểu Sử
HT. THÍCH THIỆN TƯỜNG
(1917-1984)
——***—–

HTThiệnTường-20x25
A. THUỞ THƠ ẤU:
Hòa Thượng thế danh Ngô Văn Phải, pháp danh Chơn Như , tự Thanh Giới, hiệu Thiện Tường, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41, sinh năm Đinh Tỵ -1917, tại làng Bình Xuân, Tổng Hòa Lạc, Tỉnh Gò Công, Nam Việt (nay thuộc Gò Công Tây, Tỉnh Tiền Giang).
Ngài xuất thân trong một gia đình nho phong, bần nông theo Đạo Phật. Bẩm tánh chơn chất hiền hòa, nội ngoại đều kính tin Phật.
Thân phụ của Ngài là Ngô Văn Chấn, thân mẫu Đỗ Thị Thơ, Ông bà sinh hạ được 5 người con, 3 trai, 2 gái, người anh cả đã chết từ thuở bé, kế đến Ngài và 2 em gái, cùng 1 em trai. Cô em út Đỗ Thị Thai nối chí theo Ngài xuất gia đầu Phật hiện giờ là Ni Sư Tịnh Quang, hiệu Diệu Hồ, trụ trì Chùa Quan Âm Cầu Tre Q.11 và Chùa Quang Minh Gia Định.
Năm lên 9 tuổi, Hòa Thượng đã mồ côi cha sớm. Vốn lòng rất chí hiếu nên hết lòng thức khuya dậy sớm phụ giúp việc đồng án, lao động cần cù cực nhọc với Mẹ hiền để lo sinh kế gia đình và nuôi dạy các em thơ.

B. CHÍ HƯỚNG XUẤT TRẦN:
Mặc dù hằng ngày vẫn lam lũ lao động, phụ giúp kinh tế gia đình, nhưng lúc nào trong tâm hồn của Ngài vẫn sẵn có một chí hướng xuất trần. Vì đối với việc đời, Ngài thường không tha thiết mà hằng thích theo thân mẫu về Chùa trong làng lễ Phật nghe Kinh.
Một hôm nhơn dịp hầu Thầy tụng Kinh Kỳ Siêu cho người Ông thứ 9 của Ngài. Mỗi khi nghe Thầy tụng Kinh, niệm Phật, nhịp mõ, hồi chuông, tự nhiên lòng Ngài cảm thấy nao nao, bùi ngùi xúc động, chạnh nghĩ đến nhơn sanh thống khổ, thế cuộc vô thường, nên lúc ấy chí xuất trần của Ngài càng thêm lớn mạnh, ngậm ngùi rơi lệ tâm hồn muốn được gởi chốn Thiền Môn.

C. THỜI KỲ XUẤT GIA :
Rồi một hôm thiện duyên đã đến, Ngài khăn gói xin phép mẹ hiền xuất gia Chùa Long Quang làng Bình Thạnh tu học đạo mầu, nhằm ngày mùng 8 tháng 4 năm Đinh Sửu (1937) mùa Phật Đản Sanh. Bấy giờ Hòa Thượng được 19 tuổi.

D. THỜI TIẾN THÂN HỌC ĐẠO:
Năm 23 tuổi nhận thấy ở Chùa làng chẳng phải là nơi có thể tiến thân trên đường đạo nghiệp tương lai. Ngài bèn khăn gói y bát nâu sòng lên Sài Gòn tá túc Chùa Linh Sơn công quả và học đạo. Nơi đây, hạnh duyên được gặp Thầy Tổ là Hòa Thượng Lê Phước Chí, Ngài liền theo cầu học đạo sớm khuya cần mẫn tham cứu kệ kinh.
Thầy tuy còn trẻ mà đã biết tinh thần tu học như thế, Hòa Thượng Tổ rất quí mến, bèn truyền đạt cho Ngài những yếu lý thâm huyền của Chư Phật.
Năm 1941, Ngài được đăng đàn thọ Cụ Túc Giới tại Chùa Xuân Quang, Phan Thiết.
Năm 1943 với ước nguyện được quảng bác Kinh văn, suốt thông bối diệp, mở mang Phật huệ ngõ hầu làm ngọn thiền đăng dẫn lối cho hậu lai, Ngài cùng Sư Huynh Thới An, y bát ôm Kinh quẩy Luật lên đường tầm học nhiều nơi, hễ nghe ở đâu có bậc cao đức là tìm đến xin được thọ học, Ngài đã quá bước đến thọ học với Hòa Thượng Hồ Bình ở Chùa Kim Huê, Hòa Thượng Bửu Đạt Chùa Linh Sơn v.v….

E. THỜI KỲ HÓA ĐỘ:
Năm 1944, Hòa Thượng Trụ Trì Chùa Long An, Sa Đéc. Một hôm trên đường hoằng hóa, Hòa Thượng Hành Trụ ghé vào Chùa Long An tạm nghỉ. Nhơn cảm mến hạnh nguyện và đạo phong khả kính của Hòa Thượng Hành Trụ. Ngài bèn hợp cùng các Sư huynh Thới An, Hạnh Nguyện… đồng cung thỉnh Hòa Thượng Hành Trụ dừng chân ở lại nơi đây mở Phật Học Đường dạy Chúng Tăng tu học và tôn Hòa Thượng làm huynh trưởng kiêm Hóa Chủ Chùa này. Được Hòa Thượng hứa khả và sau đó cả 4 vị đồng phát nguyện kết nghĩa làm bạn lữ đời đời kiếp kiếp, hợp tác với nhau trên đường hoằng dương chánh pháp, tiếp độ chúng Tăng và tu hành giải thoát không hề bỏ nhau.
Năm 1946, nhận thấy lúc ấy ở đất Sài Gòn, cơ duyên hoằng pháp thuận tiện, dễ dàng cho việc hoằng pháp lợi sanh, nên Ngài đã cùng 3 vị Hòa Thượng sư huynh y bát lên Sài Gòn cùng nhau dựng Chùa Tăng Già, hiện giờ là Kim Liên Q.4 để tiếp chúng Tăng tựu về tu học.
Năm 1947 Ngài lại cùng ba vị Hòa Thượng dựng thêm ngôi Già Lam thứ hai hiện nay là Tổ Đình Giác Nguyên. Từ đó Chư Tăng Ni các nơi tựu về hai ngôi Già Lam, nương nơi 4 vị Hòa Thượng tu học mỗi ngày một đông.
Năm 1951, Hội Vạn Thọ hiến cúng Chùa Vạn Thọ ở Tân Định cho Hòa Thượng để có nơi tiếp Tăng độ chúng tu học. HT đã tiếp Tăng độ chúng, mở mang cơ sở vật chất để chư Tăng có nơi sinh hoạt, mở Phật Học Viện Vạn Thọ, hàng năm mở trường Hương để Chư Tăng An Cư Kiết Hạ, và mở nhiều đạo tràng cho Phật Tử về tu học đông đảo… Từ đó Hòa Thượng đã lặn lội đó đây lo việc hoằng dương chánh pháp, kế vãng khai lai, tiếp độ chúng Tăng báo Phật ân đức. Ngài đã trùng tu và kiến tạo các ngôi chùa ở các nơi như: Tăng Già-Kim Liên, Giác Nguyên, Vạn Thọ, Thiền Lâm, Giác Minh, Quan Âm, Thiên Phước, Hội Tôn .v.v…
Năm 1960, Hòa Thượng trở về làm Hóa Chủ Tổ Đình Giác Nguyên để nhiếp độ Tứ Chúng nhưng vẫn làm Trụ Trì Chùa Vạn Thọ đến 1966.
Năm 1968-1969, Hòa Thượng cùng với phái đoàn Phật Giáo Việt Nam đi thăm Phật Giáo các nước như: Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản.
Năm 1964: Hòa Thượng làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh GHPGVNTN, làm Giám Đốc Phật Học Viện Vạn Thọ và Giác Nguyên.
Do giới hạnh nghiêm minh, đạo cao đức trọng của Hòa Thượng, nên về sau tất cả những Giới Đàn của Giáo Hội tổ chức từ Thành phố cho đến Tỉnh lỵ đều cung thỉnh Ngài làm Giới Sư để truyền trao giới pháp cho các Tăng Ni như:
Năm 1975, Ngài làm Giáo Thọ A Xà Lê tại Đại Giới đàn Quảng Đức.
Năm 1980, Ngài làm đệ nhứt Tôn chứng tại Đại Giới Đàn Thiện Hòa
Nhưng về sau, Hòa Thượng nhận thấy sức khoẻ mỗi ngày một kém nên chỉ thường ở Chùa lo dạy bảo Tăng chúng tu hành, chuyên ròng niệm Phật dịch Kinh và hằng khuyên tứ chúng đệ tử lấy việc vãng sanh Tịnh Độ làm yếu chỉ .

G. THỜI KỲ VIÊN TỊCH :
Suốt cuộc đời của Hòa Thượng là một tấm gương trong sáng cho hàng Tăng Ni chốn Thiền Môn đáng noi theo. Trọn đời chỉ lo việc thượng hoằng Phật Đạo hạ hóa chúng sanh.
Ngài thường dạy: “Sanh tử và việc lớn
Vô thường là mau chóng.
Phàm làm đệ tử xuất gia của Phật trước hết phải lấy giới luật trang nghiêm, oai nghi tế hạnh, sớm tối tham thiền, niệm Phật để trút bỏ gánh nặng sanh tử trong một đời này. Chớ khá dần dà phế tắc bóng Quang Âm về sau hối hận không kịp. Phải y theo câu: Như thiểu thuỷ ngư và cần tu tợ lửa đốt đầu để hằng sách tấn.
Hòa Thượng lại cũng dạy chúng nên siêng năng lao động công việc Chùa theo tinh thần nếp sống Thiền của Tổ Bách Trượng: “Nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực”. (Một ngày không lao động, ngày đó không được ăn). Mà cuộc đời của Ngài quả thật đã thể hiện một cách trọn vẹn và rất sống động về nếp sống ấy. Ngài luôn can lao phạm hạnh, giới đức tinh nghiêm, lấy thân giáo miệt mài để tiếp Tăng độ chúng và hoằng dương chánh pháp đến ngày cuối cùng.
Đến 20giờ15, ngày 23-8 năm Giáp Tý-1984, Hòa Thượng an nhiên thâu thần thị tịch để lại cho tứ chúng đệ tử muôn ngàn bi thiết nhớ thương.
Than ôi ! Đời người bóng xế, đâu đặng lâu dài.
Một phút đi qua, hết rồi tha thiết,
Sau trước im lìm nơi Phật điện,
Lặng trang, ngẩn ngơ phút chốc,
Biết làm sao ! sắc sắc, không không,
Đó đây vắng vẻ chốn Thiền Môn,
Tịch mịch hiu quạnh đêm dài,
Còn đâu nữa ! hư hư thiệt thiệt,
Lạnh lùng thay khuya tối vắng im
Kìa dung ảnh, đây chơn linh,
Kiếm đâu được hình dung nhẫn nại,
Để Tăng tín đồ sớm tối noi theo,
Nguyện cầu Phật Quốc hoa khai,
Mong mỏi chơn linh siêu việt.

PHỤNG VÌ VẠN THỌ ĐƯỜNG THƯỢNG TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHỨT THẾ HUÝ Thượng CHƠN Hạ NHƯ, Tự THANH GIỚI, Hiệu THIỆN TƯỜNG HÒA THƯỢNG ĐÀI TIỀN CHỨNG GIÁM.
NAM MÔ CHỨNG MINH SƯ BỒ TÁT MA HA TÁT.
                                                                                                                                                                                                   BBT Website

Comments

comments